Smartphone cao cấp 2015 có gì đặc sắc? sẽ có gì trong 2016?
Trong năm nay độ phân giải này đã trở thành chuẩn mực cho các dòng máy cao cấp như Galaxy S6, S6 Edge, Note 5, LG G4, V10, Moto X Style… Bộ đôi Lumia cao cấp mới nhất của Microsoft cũng không nằm ngoài xu hướng này với màn hình AMOLED độ phân giải 2K kích thước 5.2 inch và 5.7 inch.
Năm nay thị trường smartphone cạnh tranh khốc liệt trong mọi phân khúc nhưng các sản phẩm cao cấp đầu bảng luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người dùng. Hãy cùng nhìn lại cuộc đua trong phân khúc này có gì nổi bật và sang năm mới sẽ là những xu hướng cạnh tranh nào?
1. Thiết kế kim loại nguyên khối
Rõ ràng bây giờ một chiếc smartphone cao cấp không chỉ cần mạnh, chất lượng camera tốt mà ngoại hình cũng cần phải đẹp. Trong các chất liệu thì kim loại sẽ tạo nên sự sang trọng, cứng cáp trong khi body nguyên khối sẽ giúp đảm bảo được một độ mỏng lý tưởng cho sản phẩm.
Samsung là minh chứng rõ ràng nhất cho xu hướng này khi hãng từ bỏ vỏ nhựa truyền thống chuyển sang kim loại và gặt hái không ít thành công với Note 5 hay Galaxy S6. LG vốn cũng là nhà sản xuất trung thành với chất liệu nhựa đã bắt đầu thử nghiệm bằng chiếc V10 khung kim loại cũng nhận được rất nhiều phản hồi tích cực về chiếc flagship mới này.
Ngoài ra thì các tên tuổi đi theo xu hướng này từ vài năm trước như HTC tiếp tục duy trì với dòng One M9, One A9. Sony với bộ 3 series Xperia Z5. Apple cũng có bộ đôi iPhone 6s, 6s Plus.
Tuy nhiên, trường hợp ngoại lệ đến từ Microsoft khi “ông lớn” này lại quyết định đi ngược lại xu thế so với các đối thủ, thậm chí trước đây chiếc Lumia 930 của Nokia theo đuổi triết lý kim loại nguyên khối nhưng đến thời Microsoft thì bộ đôi 950, 950 XL lại được hoàn thiện bằng vỏ nhựa bên cạnh nắp lưng có thể tháo rời. Tuy nhiên hãng tặng kèm người dùng nắp lưng bằng chất liệu da khá sang để bù đắp phần nào về thiết kế này. Đi ngược xu thế, liệu Microsoft có thành công? Chúng ta sẽ chỉ biết được điều này khi doanh số bán ra của hai sản phẩm Lumia 950 và Lumia 950 XL được công bố.
Khảo sát của trang tin công nghệ Android Authority cho thấy, người dùng ưa chuộng nhất vẫn là thiết kế kim loại (34%), sau đó mới tới thiết kế vỏ nhựa (31%), mặc dù thiết kế vỏ nhựa đã có từ đâu trong khi thiết kế kim loại mới xuất hiện trở lại trong vài năm gần đây. Kết quả này cho thấy dường như các nhà sản xuất đang đi đúng hướng trong việc tái định hình phong cách thiết kế cùng chất liệu sử dụng của mình nhằm chiều lòng người tiêu dùng.
2. Màn hình độ phân giải cao
Ngoài chip xử lý thì cuộc đua độ phân giải vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong năm nay khi các thiết bị cao cấp đã phổ cập màn hình 2K, cá biệt Sony còn trang bị cho chiếc smartphone cao cấp nhất của hãng – Xperia Z5 Premium màn hình hiển thị lên đến 4K (Ultra HD). Còn nhớ trong năm ngoái một số nhà sản xuất tiên phong đã cho ra mắt các thiết bị màn hình 2K đầu tiên là Galaxy S5, LG G3 hay OPPO Find 7.
Trong năm nay độ phân giải này đã trở thành chuẩn mực cho các dòng máy cao cấp như Galaxy S6, S6 Edge, Note 5, LG G4, V10, Moto X Style… Bộ đôi Lumia cao cấp mới nhất của Microsoft cũng không nằm ngoài xu hướng này với màn hình AMOLED độ phân giải 2K kích thước 5.2 inch và 5.7 inch.
Tuy nhiên vẫn có những hãng sản xuất không theo xu hướng này tiêu biểu như HTC và Apple khi các thiết bị cao cấp của họ chỉ dừng lại ở độ phân giải Full HD. Thực tế những màn hình này vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng và không quá khác biệt so với những màn hình độ phân giải siêu cao. Đối với người dùng thì đây là thông số mà ít người quan tâm hơn các thông số chính khác, miễn sao màn hình đó hiển thị đẹp theo cảm quan của họ là được. Full HD hay 2K, 4K, nếu không hiển thị tốt người dùng cũng sẽ không chọn mua.
Nhưng sự cạnh tranh là điều khó có thể tránh khỏi, màn hình siêu nét vẫn là điểm để làm nổi bật sản phẩm hay vượt trội hơn các đối thủ cạnh tranh. Có thể trong năm 2016, ngoài Z5 Premium chúng ta sẽ chào đón thêm một vài thiết bị nữa có màn hình 4K với mật độ điểm ảnh đạt con số lớn hơn 800 ppi. Màn hình 4K 800 ppi có cần thiết? Số liệu về lượng người dùng chọn mua trong năm sau sẽ là câu trả lời.
3. Cảm biến vân tay
Đây là một tính năng phổ biến trong năm nay trên các smartphone cao cấp hay thậm chí là các thiết bị tầm trung. Bởi vì ngoài nâng cao tính bảo mật thì cách thức mở khóa này sẽ giúp người dùng thao tác tiện lợi và bảo mật cao hơn, hỗ trợ các dịch vụ thanh toán trực tuyến.
Xu hướng này khởi nguồn từ Apple vào năm 2013 với iPhone 5s. Sau đó các nhà sản xuất khác theo sau là Samsung, HTC… Trong năm ngoái đã có không ít các thiết bị có tính năng này nhưng sang năm nay mới bắt đầu trở thành chuẩn mực. Ngay cả Sony, LG cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi ra mắt những thiết bị đấu tiên trang bị máy quét vân tay là dòng Xperia Z5 series hay chiếc phablet 2 màn hình LG V10. Sang 2016, bảo mật vân tay vẫn là xu hướng thịnh hành và phát triển khi mà nhu cầu bảo mật ngày càng nâng cao bên cạnh các dịch vụ thanh toán di động đang rất phát triển. Và trong 2016, có thể người dùng sẽ muốn sử dụng bảo mật mống mắt thì sao?
4. Công nghệ sạc nhanh
Khi mà cuộc đua phần cứng hay camera đạt được những bước tiến nổi bật và gần như bảo hoà tạm thời thì những cải tiến về thời lượng pin vẫn chưa đạt được những thành tựu như người dùng mong đợi. Các hãng sản xuất giải quyết vấn đề này bằng cách tăng dung lượng pin hoặc giảm thời gian sạc. Từ đó công nghệ sạch nhanh ra đời, bản chất của tính năng sạc nhanh chính là việc tăng điện áp nguồn ra thì thời gian sạc sẽ nhanh đầy hơn, tuy nhiên không chỉ đơn giản như vậy mà các nhà sản xuất còn phải đảm bảo các yếu tố về nhiệt độ hay mức an toàn khi sạc. Mỗi hãng sẽ có những công nghệ và phần mềm riêng để giải quyết các vấn đề trên sau đó tạo nên một cái tên thật “kêu” cho công nghệ sạc nhanh của riêng mình.
Có vẻ như xu thế này các nhà sản xuất Trung Quốc đi tiên phong đầu tiên mà đó chính là OPPO với công nghệ VOOC giúp nạp đầy viên pin 3.000 mAh của chiếc Find 7 trong vòng 70 phút, một con số khá ấn tượng vào thời điểm ra mắt.
Tiếp sau đó là các hãng như Samsung, Motorola, Asus… bắt đầu tham gia vào cuộc đua. Samsung có công nghệ Fast Adaptive Charging, Motorola với Turbo Charger hay Asus với BootsMaster… Trong năm nay, sạc nhanh tiếp tục được các nhà sản xuất đầu tư và xem đây là một trong những điểm nhấn khi giới thiệu sản phẩm mới của họ. Microsoft cũng không nằm ngoài xu thế khi bộ đôi Lumia 950, 950 XL mới nhất trang bị viên pin cho khả năng sạc nhanh thông qua USB Type-C giúp nạp đầy 50% pin trong vòng 30 phút.
Lời kết
Nhìn chung, smartphone cao cấp hiện nay đang dần hoàn thiện về khâu thiết kế để ngày càng đẹp, sang trọng và thời trang hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng về một sản phẩm không chỉ phục vụ tốt về công việc, giải trí mà ngoại hình cũng phải đẹp. Bên cạnh các yếu tố về màn hình siêu nét, bảo mật người dùng ngày càng được quan tâm và chú trọng, vấn đề cải thiện về năng lượng hay sạc nhanh cần được các hãng quan tâm hơn. Và các Bạn mong muốn gì về những chiếc smartphone cao cấp trong năm sau? Liệu những xu thế nào sẽ lên ngôi trong 2016? Hãy comment thảo luận và chia sẻ ý kiến bên dưới bài viết!