Với mạng 4G, Việt Nam đã theo được đẳng cấp thế giới?
Năm 2016 được dự đoán là năm bùng nổ của mạng 4G tại Việt Nam và đương nhiên được lợi sẽ là người sử dụng. Tốc độ thực tế sẽ ra sao, như tôi nói trên rồi, phải dùng mới biết. Liệu 4G có giúp viễn thông Việt Nam bắt kịp với thế giới. Hãy chờ xem!
Từ cuối năm 2015 tới đầu năm 2016, các nhà mạng Việt Nam đã bắt đầu rục rịch triển khai thử nghiệm có giới hạn khu vực mạng 4G trong khi mà công nghệ này đã xuất hiện từ lâu và phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.
Theo báo cáo của 4Gamericas, hiện có khoảng 442 nhà mạng trên thế giới khai thác thương mại công nghệ 4G LTE tại 147 quốc gia. Trong đó, 104 nhà mạng tại 51 nước đã triển khai công nghệ LTE- Advanced (LTE-A). Việt Nam có vẻ là sẽ có lợi thế khi có thể tiến thẳng lên sử dụng LTE-A tốc độ cao để không bị tụt hậu so với các nước.
Hồi cuối tháng 12, Viettel đã tiến hành thử nghiệm 4G giới hạn tại khu vực Thành phố Vũng Tàu. Nhà mạng này cho biết họ đã lắp đặt gần 200 trạm phát sóng 4G phủ toàn bộ khu vực dân cư tại Thành phố Vũng Tàu, Thành phố Bà Rịa và huyện Long Điền. Trong quá trình thử nghiệm, tốc độ mạng 4G ghi nhận đạt mức trung bình từ 40-80 Mbps (Mb/giây) và cao nhất đạt 230 Mbps. Tốc độ này là gần bằng với tốc độ lý thuyết của 4G LTE-A hiện nay.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT và nhà mạng Vinaphone của họ vào đầu năm nay cũng tuyên bố hoàn tất triển khai thử nghiệm mạng 4G tại đảo Phú Quốc và một số quận thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Tốc độ 4G thử nghiệm của nhà mạng trung bình đạt 96 – 245 Mbps, có thời điểm lên đến 584 Mbps. Giống như Viettel, VNPT cũng lựa chọn 4G LTE-A. Họ cho biết có khả năng cung cấp cho khách hàng sử dụng 4G tốc độ tải về tới 200 Mbps, thậm chí có thể lên tới 600 Mbps trong tương lai.
Với tốc độ này, khả năng người dùng Việt sẽ được hưởng tốc độ mạng xứng tầm với những anh bạn Hàn Quốc với mức giá chỉ tương đương với 3G (theo tuyên bố của các nhà mạng). Tất nhiên, đây mới chỉ là những con số đưa ra bởi nhà mạng và việc thử nghiệm cũng chỉ tiến hành trong phạm vi hẹp. Tốc độ thực tế 4G tại Việt Nam ra sao thì chắc phải đến khi triển khai thực tế mới biết được. Cơ mà nhìn vào tốc độ 3G hiện tại thì có lẽ tốc độ 4G Việt Nam sẽ tương đương với 3G hiện tại trên thế giới. Đấy là mình đoán thế!
So sánh với thế giới, Hàn Quốc, quốc gia có mức độ phủ sóng LTE cao nhất bắt đầu triển khai LTE-A chuẩn Cat 4 150 Mbps vào năm 2013 và cuối năm 2014 đã nâng lên chuẩn Cat 6 300 Mbps. Hong Kong và Singapore triên vào đầu năm 2014 và Nhật Bản triển khai công nghệ này vào năm đầu năm 2015. Về tốc độ mạng 4G, New Zealand hiện đang dẫn đầu với tốc độ 4G trung bình lên tới 36 Mbps, theo sau là Singapore 33 Mbps, Romania 30 Mbps và Hàn Quốc 29 Mbps.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nước cuối cùng chưa triển khai 4G. Phillipines đã triển khai 4G từ năm 2011, Thái Lan, Malaysia, Brunei, Indonesia từ năm 2013, Lào từ năm 2014 và Campuchia vừa triển khai trong Quý 4 năm 2015. Như vậy có thể thấy, việc triển khai 3G tại Việt Nam khá chậm so với khu vực và cả thế giới, khi mà thử nghiệm lần đầu từ năm 2012 nhưng đến năm nay 2016 vẫn chưa thể thương mại hóa.
Thêm vào đó, trở ngại hiện nay đối với việc triển khai 4G tại Việt Nam là băng tần. Nếu chọn băng tần không phổ biến thì sẽ vấp phải bài toán giá thành sẽ rất đắt. Nhà mạng Viettel đang thử nghiệm triển khai 4G trên băng tần 1.600 MHz còn Vinaphone triển khai trên băng tần 2.600 MHz. Chưa nhà mạng nào được cấp phép triển khai 4G trên băng tần 700 MHz vốn đang được dành cho truyền hình (nhưng không sử dụng) và đang được Viettel xin cấp phép khai thác. Băng tần 700 MHz được cho là tối ưu cho truyền dẫn do khả năng phủ sóng tốt hơn nhiều.
Năm 2016 được dự đoán là năm bùng nổ của mạng 4G tại Việt Nam và đương nhiên được lợi sẽ là người sử dụng. Tốc độ thực tế sẽ ra sao, như tôi nói trên rồi, phải dùng mới biết. Liệu 4G có giúp viễn thông Việt Nam bắt kịp với thế giới. Hãy chờ xem!