Tư vấn cách chọn mua máy tính bảng tốt, phù hợp nhất
Đúng là máy tính bảng có thể mang lại nhiều trải nghiệm hơn so với smartphone và có khả năng di động linh hoạt hơn so với laptop. Nhưng ngược lại, máy tính bảng cũng không đủ nhỏ để đút túi mang theo bên mình tiện như smartphone và cũng không mạnh mẽ được như laptop.
Sau thành công của Apple với iPad, máy tính bảng đã nhanh chóng trở thành sản phẩm phổ thông với sự tham gia của nhiều nhà sản xuất. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp bức tranh tổng quan về thị trường máy tính bảng cùng với những hướng dẫn lựa chọn sản phẩm phù hợp.
TÌM HIỂU CÁC LOẠI MÁY TÍNH BẢNG
Sau khi máy tính bảng iPad của Apple mở ra thị trường mới, ngày càng nhiều nhà sản xuất đổ xô vào thị trường này. Các máy tính bảng mới xuất hiện gần như hàng tuần. Mặc dù chúng ta không thể biết hết từng máy tính bảng được tung ra thị trường nhưng bạn có thể biết được những lựa chọn của mình nếu như có được cái nhìn tổng quan về dòng sản phẩm này.
iPad: Trong thế giới máy tính bảng, iPad đang trị vì ở ngôi vương. iPad có những hạn chế nhưng bạn không thể nghi ngờ hàng triệu khách hàng đã mua nó và sản phẩm này cũng đã lập kỷ lục chưa từng có, bán hơn 1 triệu sản phẩm trong tháng đầu tiên.
Cả iPad, iPhone và máy nghe nhạc iPod Touch đều chạy trên một hệ điều hành duy nhất gọi là iOS, tạo ra sự liên kết xuyên suốt giữa các sản phẩm phổ biến nhất của Apple. Sự dễ dùng của iPad cộng với sự phong phú về ứng dụng, game và nội dung giải trí được coi là những ưu điểm giá trị nhất của sản phẩm này.
Các máy tính bảng Android: Các máy tính bảng chạy hệ điều hành Android của Google có nhiều kích cỡ khác nhau, nhiều mức giá khác nhau và đến từ nhiều nhà sản xuất khác nhau. Nếu kích thước, giá hoặc các tính năng của iPad chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn, có thể các máy tính bảng Android sẽ đáp ứng được. Với sự tham gia của nhiều nhà sản xuất, các máy tính bảng Android hiện có phạm vi lựa chọn sản phẩm rất rộng.
Tham khảo thêm danh sách Những máy tính bảng Andoid tốt nhất.
Máy tính bảng Windows: Các máy tính bảng chạy phần mềm Windows của Microsoft đã xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước và vẫn tiếp tục được cải thiện, tiến hóa theo thời gian. So với máy tính bảng Android hay iOS, những máy tính bảng Windows, còn gọi là tablet PC, gần gũi với laptop hơn. Thậm chí, một số mẫu máy tính bảng Windows có ranh giới phân biệt với laptop rất mờ nhạt bởi chúng cũng có bàn phím vật lý để chuyển thành laptop khi cần.
Những máy tính bảng khác: Mặc dù hầu hết nhà sản xuất máy tính bảng sử dụng Android hoặc Windows nhưng cũng có một số nhà sản xuất đang đi theo mô hình thành công của Apple: xây dựng cả phần cứng và hệ điều hành từ đầu.
Trong năm 2011, hai ví dụ điển hình nhất của xu hướng này là RIM với máy tính bảng BlackBerry Playbook và HP với máy tính bảng TouchPad chạy hệ điều hành WebOS. Các sản phẩm này có thể trở thành những tên tuổi lớn trong tương lai nhưng hiện tại chúng vẫn đang trong giai đoạn trứng nước. Tất nhiên, nếu nếu bạn là người hâm mộ BlackBerry hay phần mềm WebOS (sản phẩm của HP mua lại từ Palm), những sản phẩm này sẽ khiến bạn chú ý. Tuy nhiên, những sản phẩm này vẫn cần thời gian để theo kịp các đối thủ iOS và Android về ứng dụng, game và nội dung.
Đầu đọc sách điện tử (E-book reader): Các đầu đọc sách điện tử là những sản phẩm đơn giản. Đây là những sản phẩm sử dụng công nghệ mực điện tử trên màn hình đen trắng có độ tương phản cao để hiển thị sách điện tử cũng như báo và tạp chí điện tử. Kích cỡ màn hình của các đầu đọc sách điện tử phổ biến từ 5-10 inch. Nói chung, những sản phẩm nổi tiếng nhất đều gắn liền với những nhà cung cấp nội dung lớn như Amazon, Barnes & Noble hay Sony.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất gần đây có xu hướng tiếp thị các máy tính bảng Android giá rẻ là đầu đọc sách điện tử. Những thiết bị này thường có đủ các chức năng của đầu đọc sách điện tử truyền thống nhưng cũng có thể sử dụng cho những mục đích khác như lướt web, gửi nhận email và xem phim.
Các đầu đọc sách điện tử truyền thống thường có những lợi thế rõ rệt như có thể truy cập kho sách điện tử của các nhà cung cấp và có màn hình mực điện tử dễ đọc, không gây mỏi mắt khi đọc trong thời gian dài. Những thiết bị này hiện vẫn có chỗ đứng trong thế giới máy tính bảng, đặc biệt là với những khách hàng muốn mua sắm sản phẩm ở tầm giá dưới 200 USD.
BẠN CÓ THỰC SỰ CẦN MÁY TÍNH BẢNG?
Khi chúng ta đắm say với sự nở rộ của máy tính bảng, chúng ta rất dễ rơi vào trạng thái chỉ tập trung vào công nghệ mới mà không quan tâm đến những vấn đề thực tế. Bởi vậy, chúng tôi xin nêu ra một số điểm hạn chế của máy tính bảng để bạn cân nhắc trước khi quyết định mua.
Đúng là máy tính bảng có thể mang lại nhiều trải nghiệm hơn so với smartphone và có khả năng di động linh hoạt hơn so với laptop. Nhưng ngược lại, máy tính bảng cũng không đủ nhỏ để đút túi mang theo bên mình tiện như smartphone và cũng không mạnh mẽ được như laptop.
Máy tính bảng được coi là dòng sản phẩm xen giữa smartphone và laptop. Nhưng trên thực tế, bạn sẽ không dễ xác định mua máy tính bảng cho nhu cầu thực sự nào, bởi nó chưa thể thay thế hoàn toàn cho smarphone cũng như laptop. Máy tính bảng vượt trội so với smartphone ở khả năng giải trí (nghe nhạc, xem phim) nhờ màn hình to hơn, nét hơn nhưng hầu hết không có khả năng gọi điện như smartphone. Và xét về khả năng làm việc, máy tính bảng cũng không có hệ điều hành đầy đủ tính năng như laptop. Nói chung, máy tính bảng là phiên bản giản lược của laptop ở mọi khía cạnh từ tính năng đến kích cỡ và trọng lượng.
Về giá, những laptop, smartphone và máy tính bảng tốt đều nằm ở tầm giá gần tương đương nhau, khoảng từ hơn 400-800 USD. Do đó nếu xét về chi phí, bạn nên dành thời gian tự hỏi mình mong chờ gì từ một chiếc máy tính bảng. Một chiếc smartphone hay netbook có thể phù hợp với bạn và có thể có giá trị hơn trong việc sử dụng.
Thêm nữa, bạn cũng nên biết một số vấn đề thường thấy ở máy tính bảng là không thay được pin, khả năng in ấn và nhập văn bản (text) hạn chế, ít phần mềm doanh nghiệp hỗ trợ, nhiều máy không hỗ trợ Adobe Flash.
Trước khi sắm máy tính bảng, bạn hãy tham khảo danh sách những smartphone tốt nhất và những laptop khuôn giá. Nếu bạn vẫn cảm thấy máy tính bảng là sản phẩm phù hợp thì hãy cân nhắc chọn hệ điều hành cũng như kích cỡ màn hình phù hợp.
CHỌN HỆ ĐIỀU HÀNH
Tương tự như máy tính, yếu tố đầu tiên cần cân nhắc khi sắm máy tính bảng là hệ điều hành. Trong phần này, chúng tôi sẽ giới thiệu vắn tắt những điểm mạnh và điểm yếu của các hệ điều hành được dùng cho máy tính bảng hiện nay.
iOS
Ban đầu được gọi là iPhone OS, iOS của Apple là hệ điều hành chạy trên iPad, iPhone và iPod Touch. Đây là một trong những hệ điều hành di động phổ biến nhất trên thị trường hiện nay.
Điểm mạnh: nhiều ứng dụng và game (hơn 65.000) được tối ưu cho máy tính bảng; có thể chạy ứng dụng viết riêng cho iPhone; tốc độ xử lý nhanh; khả năng xem phim và nghe nhạc tuyệt vời; hỗ trợ cảm ứng đa chạm; có các lựa chọn bảo mật dành cho các cha mẹ; tích hợp thông suốt với các sản phẩm khác của Apple như Apple TV và AirPort Extreme.
Điểm yếu: không tùy biến màn hình chính; không tương thích với Adobe Flash; người dùng phải mua phần mềm từ Apple.
Máy tính bảng dùng iOS hiện có 2 sản phẩm là iPad và iPad 2.
Android
Các smartphone chạy hệ điều hành Android của Google là những đối thủ cạnh tranh lớn nhất với iPhone của Apple hiện nay. Điều tương tự đang diễn ra trong thế giới máy tính bảng.
Hầu hết máy tính bảng ra mắt trong năm 2010 sử dụng hệ điều hành Android 2.2 (còn gọi là Froyo), phiên bản thuần túy sao lại trải nghiệm của smartphone Android trên màn hình lớn hơn. Nhưng đến đầu năm 2011, Google đã ra mắt phiên bản được tối ưu dành riêng cho máy tính bảng là Android 3.0, còn được gọi với tên mã là Honeycomb. Máy tính bảng Xoom của Motorola ra mắt vào quý 1/2011 là sản phẩm đầu tiên chạy Honeycomb.
Điểm mạnh: tùy biến được màn hình chính; tích hợp chặt chẽ với các dịch vụ của Google; có thời gian khởi động nhanh; chức năng tìm kiếm web và thông tin trong máy một chạm; xuất hiện trên nhiều thiết bị.
Điểm yếu: nhiều ứng dụng cũ được thiết kế cho smarphone không hoạt động tốt trên Android 3.0; nhiều tính năng của Android (phiên bản trước 3.0) phù hợp với smartphone hơn máy tính bảng; nhiều máy tính bảng Android hiện tại không hỗ trợ Android 3.0; ít ứng dụng hơn so với iOS.
Một số máy tính bảng Honeycomb điển hình: Motorola Xoom, Acer Iconia Tab A500, Samsung Galaxy Tab 8.9, Asus Eee Pad Transformer, LG Optimus Pad và Asus Eee Pad Slider.
HP webOS
WebOS là hệ điều hành được HP mua lại từ Palm và TouchPad là máy tính bảng đầu tiên sử dụng hệ điều hành này.
Điểm mạnh: giao diện thẻ đặc trưng của WebOS khác biệt hoàn toàn với các nền tảng khác; tích hợp chặt chẽ với các smartphone chạy WebOS (có thể chuyển tin nhắn, cuộc gọi và địa chỉ web từ smartphone đến máy tính bảng qua kết nối Bluetooth); điều chỉnh kích cỡ của bàn phím ảo.
Điểm yếu: ít ứng dụng; tốc độ mở file Flash chậm.
Máy tính bảng sử dụng WebOS hiện có HP TouchPad.
QNX
Research in Motion (RIM), nhà sản xuất điện thoại BlackBerry, có một hệ điều hành tuyệt vời cho những người dùng smartphone nhưng hệ điều hành cho máy tính bảng của hãng này, gọi là QNX, chưa phải là một sản phẩm hoàn thiện. BlackBerry PlayBook là máy tính bảng đầu tiên của RIM sử dụng hệ điều hành QNX.
Điểm mạnh: tốc độ xử lý nhanh; cảm ứng cử chỉ (Gesture-based interface – sử dụng cử chỉ để đưa người dùng trở về màn hình chính hoặc chuyển đổi giữa các ứng dụng mở); truyền dữ liệu đến máy tính rất đơn giản qua kết nối không dây.
Điểm yếu: ít ứng dụng; không có ứng dụng email, quản lý thông tin cá nhân (PIM), lịch nhắc việc (calender) và sổ địa chỉ riêng mà phải kết nối với một điện thoại BlackBerry khác để dùng các ứng dụng này từ điện thoại.
Máy tính bảng sử dụng hệ điều hành QNX hiện có BlackBerry PlayBook.
Windows
Trước đây, các máy tính bảng chạy hệ điều hành Windows của Microsoft (tablet PC) đã chiếm phần lớn thị trường này. Những sản phẩm này chia thành các phân khúc nhỏ như “slate” (những máy tính bảng có màn hình cảm ứng và nhập liệu bằng tay hoặc bút) hoặc “convertible laptop” (máy tính bảng màn hình cảm ứng, có bàn phím và chuột để nhập liệu). Mặc dù, Android và iOS đang đua nhau thống trị thị trường máy tính bảng nhưng các máy tính bảng Windows vẫn có vị thế nhất định, đặc biệt với những đối tượng đòi hỏi khả năng và sự tương thích với nhiều loại phần mềm Windows.
Điểm mạnh: giao diện quen thuộc; khả năng tương thích phần cứng và phần mềm rộng rãi nhất; hỗ trợ Adobe Flash; đa tác vụ; hỗ trợ nhiều kích cỡ màn hình.
Điểm yếu: thời gian khởi động chậm so với Android hoặc iOS; dễ dính virus hơn các nền tảng khác; khó dùng nếu không có bàn phím và chuột kèm theo; cài đặt phần mềm phức tạp.
CHỌN KÍCH THƯỚC MÀN HÌNH
Cách đo kích thước màn hình dễ làm nhiều người hiểu lầm. Trên lý thuyết, sự khác biệt giữa màn hình 7 inch và 10 inch có thể bình thường nhưng trong thực tế, màn hình 7 inch chỉ bằng một nửa kích thước của máy tính bảng 10 inch (vì màn hình được đo theo độ dài của đường chéo). Hiện nay, hai kích cỡ phổ biến nhất với máy tính bảng là 10 inch và 7 inch, mặc dù có một số sản phẩm có màn hình nhỏ hơn. Mỗi loại kích cỡ có điểm mạnh và điểm yếu riêng.
10 inch hoặc lớn hơn
Màn hình 10 inch của iPad (chính xác là 9,7 inch) nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn cho các máy tính bảng. Các máy tính bảng có màn hình trên 10 inch như JooJoo của nhà sản xuất Fusion Garage thường bị chê là quá to và nặng nề. Mặc dù Apple đã rất thành công với định dạng 10 inch nhưng rất ít máy tính bảng cùng thời với iPad thế hệ đầu (ra mắt năm 2010) có kích thước màn hình đó bởi những phiên bản (và cả ứng dụng) Android ban đầu được thiết kế cho smartphone, không phải màn hình lớn của máy tính bảng. Sau khi Android 3.0 ra đời vào đầu năm 2011, số lượng máy tính bảng màn hình 10 inch xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Điểm mạnh: lướt web không cần điều chỉnh kích cỡ trang trang web; hiển thị sách điện tử và tạp chí số ở kích cỡ tự nhiên hơn; các bàn phím ảo trên màn hình cảm ứng gần bằng kích cỡ của laptop; bản đồ hiển thị chi tiết hơn; tạo và chỉnh sửa văn bản dễ dàng hơn trên màn hình lớn; chia sẻ video, ảnh và chơi game dễ dàng và thoải mái hơn.
Điểm yếu: không di động như những thiết bị nhỏ hơn; màn hình chưa đủ lớn như màn hình của laptop tiêu chuẩn; các ứng dụng được thiết kế cho màn hình nhỏ của smartphone hiển thị rất thô.
7 inch
Hầu hết những máy tính không phải của Apple ra mắt trong năm 2010 đều có kích cỡ màn hình 7 inch. Như đã đề cập ở trên, màn hình 7 inch thực chất chỉ bằng nửa diện tích bề mặt của màn hình 10 inch. Những thiết bị này có thể cầm gọn trên tay, cảm giác như đang cầm cuốn sách hoặc quyển sổ ghi chép. Nhưng nói chung kích cỡ này vẫn chưa đủ nhỏ để coi là thiết bị bỏ túi như smartphone.
Điểm mạnh: nhỏ nhẹ và dễ cầm; đủ nhỏ để hiển thị hầu hết ứng dụng viết cho smartphone; kích cỡ tự nhiên với sách điện tử.
Điểm yếu: Giống như các smartphone, các website thường bị co lại hoặc phải thay đổi kích cỡ; bàn phím quá nhỏ để dùng hai tay, quá lớn nếu dùng một tay; không đủ nhỏ để đút túi tiện lợi như smartphone; quá nhỏ để làm những công việc của laptop như soạn tài liệu và viết email.
5 inch hoặc nhỏ hơn
Những máy tính bảng ở kích cỡ này mang lại sự di động tốt nhất nhưng rõ ràng nó gần với smartphone hơn laptop. Nhiều smartphone cao cấp hiện nay như Motorola Droid Bionic có màn hình trên 4 inch.
Điểm mạnh: vừa túi; có thể sử dụng tự nhiên các ứng dụng smartphone; trọng lượng nhẹ.
Điểm yếu: duyệt web và soạn email không khác gì so với trải nghiệm trên smartphone.
Danh sách các máy tính bảng theo kích cỡ màn hình:
5 inch | 7 inch | 8,9 inch | 9,7 inch | 10,1 inch |
Dell Streak | Samsung Galaxy Tab HTC Flyer Dell Streak 7 Asus Eee Pad Memo BlackBerry PlayBook |
Samsung Galaxy Tab 8.9 LG Optimus Pad |
iPad iPad 2 HP TouchPad |
Samsung Galaxy 10.1 Asus Eee Pad Transformer Acer Iconia Tab A500 Asus Eee Pad Slider Motorola Xoom Toshiba AS100 |
CÁC YẾU TỐ KHÁC
Wi-Fi hay 3G: Hầu hết máy tính bảng hiện nay hỗ trợ Wi-Fi và cũng có một số mẫu hỗ thêm cả công nghệ mạng 3G. Nếu bạn muốn dùng máy tính bảng để lên mạng ở bất kỳ nơi đâu, bạn nên chọn loại có kết nối 3G. Tất nhiên, các máy tính bảng 3G có mức giá nhỉnh hơn (ví dụ, iPad 2 3G đắt hơn 130 USD so với bản 2G) và bạn sẽ phải trả thêm phí dịch vụ của nhà mạng. Tuy nhiên, có cách khác để lên mạng mọi nơi mọi lúc trên máy tính bảng là dùng điện thoại 3G làm trạm phát sóng Wi-Fi.
Máy ảnh và chat hình: Với sự ra mắt iPad 2, Apple đã nhanh chóng bắt kịp các đối thủ cạnh tranh khi bổ sung thêm camera mặt trước để chat hình (video). Xoom có chất lượng máy ảnh mặt sau tốt hơn iPad nhưng nói chung máy ảnh trên các máy tính bảng hiện nay là đồ chơi hơn là công cụ. Không có máy ảnh nào trên máy tính bảng có thể thay thế xứng đáng được máy ảnh số.
Các máy tính bảng có máy ảnh mặt trước nghĩa là chúng có thể dùng để chat hình nhưng không phải tất cả ứng dụng chat hình trên máy tính bảng đều chất lượng như nhau. Google Talk cho Honeycomb, được tích hợp sẵn trên Xoom, là ứng dụng số một: dễ dàng và hoạt động qua tài khoản Google. Bạn có thể chat với bất kỳ ai có tài khoản Google. Tuy nhiên, không phải tất cả máy tính bảng Android đều giống nhau, vì chỉ có máy tính bảng chạy Android Honeycomb mới có chất lượng chat video tốt. các máy tính bảng không dùng Honeycomb như Dell Streak 7 cũng có ứng dụng chat video nhưng không phải là Google Talk và chất lượng khá kém. FaceTime của Apple cũng hoạt động khá tốt nhưng bị hạn chế ở những sản phẩm của Apple, khiến nó không thể sánh được với Google Talk.
Thời gian pin: Tùy thuộc vào nhu cầu của từng người, đây có thể là yếu tố quan trọng hoặc không. Nói chung, thời gian pin không phải là vấn đề lớn với máy tính bảng vì hầu hết sản phẩm đều có thời gian khá dài, từ 5-10 tiếng. iPad 2 có thể sử dụng tới 10 tiếng, còn Samsung Galaxy Tab và những máy tính bảng Android khác cũng dùng được khoảng 7-9 tiếng sau mỗi lần sạc. Tuy nhiên, thời gian pin dài hay ngắn còn phụ thuộc vào việc bạn dùng máy tính vào việc gì như truy cập 3G, Wi-Fi, Bluetooh và đặt độ phân giải màn hình cao hay thấp.
Giá: Với các loại thiết bị số, nói chung là tiền nào của nấy và máy tính không phải là ngoại lệ. Nếu bạn bỏ ra dưới 500-600 USD, tầm giá đó chỉ mua được các máy tính bảng Wi-Fi như iPad 2 hay Xoom. Với máy tính bảng hỗ trợ 3G hoặc 4G, giá tùy thuộc vào nhà sản xuất, dung lượng lưu trữ và có thể cả gói cước đi kèm của nhà mạng (nếu có) nhưng giá bèo nhất là iPad 2 3G cũng là 629 USD với bản 16GB.
Những máy tính bảng Android giá rẻ 100-200 USD xuất hiện ngày càng nhiều, chủ yếu là sản phẩm của các nhà sản xuất Trung Quốc. Đa số các sản phẩm này được tiếp thị là đầu đọc sách điện tử màu và cũng có sản phẩm được quảng cáo là thay thế iPad. Nhưng nói chung, các máy tính bảng 100-200 USD thường rất thất vọng: tốc độ chậm, ứng dụng nghèo nàn và độ bền không đảm bảo.
Thông số nào quan trọng với máy tính bảng?Các nhà sản xuất đưa ra khá nhiều thông số kỹ thuật trong máy tính bảng. Vậy những thông số nào thực sự quan trọng quyết định hiệu năng, độ nét của hình ảnh cũng như giá trị của máy tính bảng?
Trong các thông số kỹ thuật của máy tính bảng, hai thông số rất quan trọng nhất là độ phân giải màn hình và tốc độ của bộ vi xử lý. Độ phân giải màn hình: Một điều hiển nhiên là độ phân giải càng cao thì màn hình càng nét. Nhiều máy tính bảng hiện nay có màn hình độ phân giải 1280×800 pixel, cao hơn cả iPad 2 (1024 by 768 pixel) nhưng cũng có khá nhiều máy tính bảng có độ phân giải màn hình thấp thậm tệ như Dell Streak 7 (800×480 pixel). Bởi vì màn hình là bộ phận không thể thay thế của máy tính bảng nên độ phân giải là yếu tố không nên hoặc thậm chí là không thể bỏ qua. Bộ vi xử lý: Hầu hết các máy tính bảng đang giảm giá mạnh trên thị trường thường sử dụng bộ vi xử lý đời cũ có tốc độ xung nhịp dưới 1GHz. Hiện nay, các máy tính bảng sử dụng bộ vi xử lý một lõi, đặc biệt là những bộ vi xử lý xung nhịp dưới 1GHz, được xếp ở nhóm có tốc độ xử lý thấp. Với các máy tính bảng mới, nên chọn sản phẩm sử dụng bộ xử lý hai lõi hoặc một lõi thì ít nhất phải có sung nhịp trên 1GHz. Ngoài hai thông số trên, các cổng tích hợp cũng là yếu tố nên xem xét khi mua máy tính bảng. Nói chung với máy tính bảng, các cổng tích hợp là con dao hai lưỡi. Nếu máy tính bảng có các cổng tích hợp, nghĩa là bạn không cần thêm phụ kiện để kết nối cổng HDMI, thẻ SD hay thẻ lưu trữ USB. Tuy vậy, việc bổ sung các cổng kết nối làm máy tính bảng nặng hơn và dày hơn. Đó là lý do những máy tính bảng mỏng như iPad 2 và Galaxy tab 10.1 hiện nay thiếu nhiều cổng kết nối. Thế nhưng điều này không làm cản trở nhiều người thích iPad 2 hay Galaxy tab 10.1 bởi họ có thể dễ dàng bổ sung thông qua các phụ kiện. Tuy nhiên, nếu bạn có dự định mua máy tính bảng để sử dụng cho những việc văn phòng (không chỉ để giải trí), nên tìm loại có cổng tích hợp cần dùng đến. |
Minh Tiến